1. Dù quy mô thế nào, một nhà lá mái hoàn chỉnh thường có ba gian: nhà chính, nhà cầu và nhà lẫm. Nhà lầm chồi ra phía trước bên trái, tạo thành chữ L, trên cao làm kho chứa lúa, dưới là nơi ở của con cái. Nối sau nhà lẫm là phòng ở và bếp. Mỗi gian có hai mái trước sau, 2 chái phía còn lại nên nhìn tổng thể nhà có nhiều mái đá nhau. Có nhiều người gọi là nhà đá mái với lập luận nếu bảo lá mái vì lợp tranh thì nhà lợp lá dừa, lá cọ cũng có thẻ gọi như thế. Tuy nhiên tên gọi phổ biến vẫn là nhà lá mái và điều cơ bản khiến trúc này nổi tiếng vì chính cấu tạo của nó: mái, vách đều 2 lớp. Nhiều nhà có cả 2 lớp cửa.
Nhà chính có 4 vì kèo, mỗi vì kèo có 4 cột trụ tròn, 2 cột sát vách trước sau, 2 cột giữa nhà. Có thể nhìn thấy tổng cộng 16 cột nhưng hàng cột trong tạo thành 3 gian thờ, chỉ còn 2 cột hàng ngoài có vẻ thảnh thơi vì hàng cột ở kèo biên được lắp vách ván tạo thành 2 phòng là chái đông và chái tây. Chái tây gọi là chái tàu dành cho khách. Chái đông là buồng vợ chồng gia chủ. Tại sao lại “đông chủ”? Theo chúng tôi, từ chái đông (luôn là phía trái nhà từ bàn thờ nhìn ra) phát triển tiếp nhà cầu, nhà lẫm, bếp… cho tiện sinh hoạt – chữ L tổng thể sẽ che khoảng sân trước tránh gió bấc vì hướng nhà ở dao động từ đông tới nam. Các cụm từ “3 gian, 2 chái”, “đông chủ tây khách” rất phổ biến từ nhà lá mái mà có. Riêng “đông tây chủ khách” còn được người dân vận dụng vào vị trí tiếp khách dịp lễ, tiệc đến tận ngày nay.
Ở nhà lá mái, giàn cột, kèo, xiên, trính… đều sử dụng gỗ tốt: lim, sơn, sầm, ná, xay, mít… Trừ cột tròn bào nhẵn, tất cả đều được xoi, tiện, chạm rất công phu. Các hình chạm chủ yếu là hoa lá, chim, nai, sóc, dơi, cây đàn… Một số nhà đầu kèo mái trước còn tạc nhái đầu rồng (nhà dân không được phép tạc rồng như cung vua phủ chúa). Các đường diềm 3 khám trên cao, các hàng bạo xổ hai bên cột được chạm thủng khiến 3 gian thờ cùng với cả tủ thờ, án thờ (án giò nai hoặc cò điếu) tạo nên vẻ đẹp vừa trang nghiêm vừa nhẹ nhàng thanh thoát. Hai vách ván tạo thành chái đông chái tây gọi là phên lụa giàn khép, trên cao trang trí ô hộc rất tinh tế.
Phần lớn nhà lá mái làm kèo ghép cho từng đoạn trụ. Ở đầu trụ, để cho lưng kèo phẳng, nơi ghép phải “uốn cong” âm dương bẩy tiếp nhau. Chỗ “uốn” này là cơ hội cho các nghệ nhân chạm khắc và bộc lộ tài năng. Chống từ trính lên giao nguyên – nơi 2 đầu kèo giao nhau trên đỉnh – là bộ phận trụ lỏng khá độc đáo và có màu sắc bí ẩn, người dân gọi nôm na là cối, chày. Cối là bộ đỡ tròn đặt từ trính, nhiều tầng nở dần lên ôm lấy chân chày, đầu chày thuôn nhỏ khớp với giao nguyên thành hoa thị 6 cạnh. Ni tấc của 2 chi tiết này, theo lưu truyền trong dân, hoàn toàn không thuộc tính toán của người thợ cả mà do quyết định của thầy tử vi, bói toán.
Áp ngay lưng kèo là lớp mái thứ nhất: trần sìa. Đó là những cây tre già ngâm nước hơn một năm để khỏi mối mọt, tẩy mắt, chẻ trái trả rồi ép phẳng thành tấm, bên trên đắp đất bùn trộn nhuyễn với rơm. Lớp cật tre sạch sẽ tinh tươm khá tương xứng với dàn gỗ bóng lộn. Lớp mái thứ 2 được chống cao phần đỉnh tạo độ dốc lớn có tác dụng che mưa nắng cho lớp trần sìa và dàn gỗ. Tre cũng ngâm nước kỹ, nguyên cây làm rui, chẻ ra làm mè, cột bằng dây mây neo giữ khoảng cách 10cm rất chắc chắn. Mái tranh được lợp dày 20, 30cm, chân mái xén bằng, thắt con rít bằng tre cặp vòng rất đẹp. Độ dốc lớn, khi lợp người thợ phải buộc dây lưng níu vào mè sau nếu không dễ cắm đầu xuống đất. Tranh dày, mái dốc, tới hơn 30 năm mới lợp lại!
Vách nhà là mầm trỉ trét đất. Mầm là những cây tre được dựng dọc, trỉ cũng bằng các thanh tre buộc ngang hai bên mầm. Đất ruộng nhào nhuyễn với rơm trét hai phía trong ngoài xong dùng đất gò mối trộn nước dây tơ hồng hồ lại lớp mặt cho phẳng. Gặp vách đất hai lớp kiểu này khi phá bỏ còn khó hơn tường xây. Toàn bộ vách dựng trên hàng liệt địa lá rộng 20cm theo tường. Lớp này đặt trên những tắc kê 3cm cách liệt địa bàn 20.30cm bằng gỗ xay chống mối. Khe hở vách tạo độ thông thoáng.
Dàn cửa chính theo kiểu thượng phong song hạ bản (còn gọi là bàn khoa, buồng khoa, bàn pha), trên là những song tiện, dưới panô, được xoi chỉ rãnh, chạm khắc công phu. Mái nhà kéo dài ra chỉ còn cách đất 1m6, nhiều nhà làm tiếp lớp cửa thứ 2 gọi là cửa thông hành. Vùng nhiều trộm cướp, cửa thông hành được làm bằng gỗ sung, thứ gỗ có đặc tính rìu chặt không tách, búa đánh không vỡ. Yếu điểm của nó là dùng lửa thổi sẽ tự ngún dần nhưng thời gian phá được sẽ lâu. Mái sau và chái làm vách thứ 2 tạo thành các luồng chứa chum, vại đựng các loại lương thực, các nông cụ…
Nền nhà dùng đất thịt trộn muối đằm kỹ, làm đất khong nứt nẻ khô rốc, vừa mát vừa không bụi khi quét. Do cấu tạo 2 lớp, đặc biệt là lớp mái đất, nhà lá mái rất mát mùa hè ấm áp mùa đông.
2. Tuy vật liệu chỉ là gỗ, tre, tranh, đất nhưng độ bền vững của nhà lá mái rất cao. Qua hàng trăm cơn bão, trận lụt nhà vẫn an nhiên đứng đó làm nơi che chở và hạnh ngộ, nới ươm mầm yêu thương của bao thế hệ, cuộc đời. Độ bền vững có yếu tố quyết định của những người thợ, những nghệ nhân dân gian. Long rong về những nếp nhà xưa, tôi gặp câu: “làm thầy nuôi vợ, làm thợ nuôi miệng” thật thú vị. Các vị thầy (cúng, bói,… cả thầy đồ) có xôi oản, gạo nếp, tiền bạc đem về cho gia đình; người thợ quanh năm suốt tháng ăn ở nhà chủ, làm bao giờ xong mới thôi. Theo cụ Trần Bá Tuyến, một người thợ từng làm rất nhiều nhà mái lá (hiện cư ngụ ở phường Đống Đa., T.P Quy Nhơn); và theo hồi ức nhiều cụ già, cái “bao giờ” nêu trên không dưới 3 năm, với một bạn thợ hơn 10 người gồm thợ cả, thợ chính, thợ học việc. Khi làm nhà xong, người thợ thành như thân quyến của gia chủ, lễ lộc cúng giỗ hàng năm đều về.
Bạn thợ được chủ cấp nồi niêu, gạo thóc tự nấu ăn, nước gạo cơm thừa họ dùng nuôi heo, heo con thành heo nái, để nhiều lứa mới xong nhà. Nhà ở đây bao gồm cả các vật dụng bên trong: giường, tủ, án thờ, tràng kỷ, phản gỗ… Dàn gỗ và vật dụng trong nhà có nhiều đường cong, chạm khắc, đòi hỏi sự khéo tay, khổ công. Cây trính chẳng hạn, không phải để thẳng mà đẽo cong 2 đầu kiểu giá chiêng, đầu chạm hoa cuộn. Tác phẩm này phải cần súc gỗ lớn gấp đôi làm nguyên liệu… Nét chạm khắc, bào, nạo đã hoàn chỉnh thì còn công đoạn cuối cùng là đánh bóng. Người thợ xưa không có giấy nhám. Công cụ để đánh bóng là chuối khô, dùng nùi lá đánh đến lên nước sáng bóng mới thôi. Công phu nhất, tinh xảo nhất chứng tỏ tay thợ nghề rõ nhất là hệ thống ngàm miệng. Vì không hề sử dụng định, chốt gỗ (con sẻ) nên ngàm miệng phải thật khít, vừa đẹp, vừa chắc. Những đường cong, những chi tiết chạm khắc, vừa đẹp, vừa chắc. Những đường cong, những chi tiết chạm khắc rắc rối khi lắp vào ôm kín đến mức chủ nhà thử bằng cách đổ nước vào tháo ra bên trong vẫn khô là được thừa nhận. Người thợ vừa khéo tay, vừa học đức kiên trì, nghiêm cẩn khi làm việc. Mất 3 năm miệt mài, người học việc mới được thầy cho ra nghề. Chữ “nuôi miệng” trong câu trên có 2 ý: miệng người và miệng gỗ!
MỌI VẤN ĐỀ CẦN TƯ VẤN, QUÝ KHÁCH VUI LÒNG LIÊN HỆ
MÁI LÁ THẢO VINH ĐƠN VỊ UY TÍN NHIỀU NĂM